Cụm di tích đình, chùa Đông Lan

0/5
Xã Hùng Xuyên - Huyện Đoan Hùng - Tỉnh Phú Thọ

Hiển thị vị trí bản đồ

Xem tất cả ảnh

Mô tả

Về vị trí địa lý, xã Hùng Xuyên có sự tiếp giáp như sau:

- Phía Đông giáp xã Vân Du;

- Phía Tây giáp tỉnh Yên Bái;

- Phía Nam giáp xã Phú Lâm;

- Phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nay trên địa bàn xã có 07 di tích, trong đó có 03 đình (Đình Đông Lan, đình Đông Dương, đình Thượng Khê), 02 chùa (chùa Đông Lan và chùa Giác Nguyên), 02 nhà thờ công giáo là nhà thờ Trại Cỏ và nhà thờ Minh Giang. 

Trải qua các thời kỳ lịch sử, xã Hùng Quan (nay là xã Hùng Xuyên) đã có sự thay đổi về địa danh và địa giới hành chính như sau:

- Thời Hùng Vương, Hùng Quan thuộc Bộ Văn Lang.

- Thời Bắc thuộc Hùng Quan thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ.

- Trước cách mạng tháng Tám, Hùng Quan là một trong 8 xã thuộc tổng Ngọc Chúc, phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

- Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Xã Hùng Quan thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Vĩnh Phú.

- Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Xã Hùng Quan thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

- Ngày 17/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 828/NQ-BTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ, theo đó nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hùng Quan vào xã Hùng Xuyên. Cụm di tích đình, chùa Đông Lan có địa chỉ như ngày nay: Khu Đông Tiệm, xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. 

Toàn cảnh cổng Đình chùa Đông Lan

Cụm di tích đình, chùa Đông Lan là những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư xã Hùng Xuyên.

1. Đình Đông Lan

Toàn cảnh Đình Đông Lan

Theo thần tích - thần sắc làng Hùng Quan, tổng Ngọc Chúc, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, đình Đông Lan thờ Phi Duy đại vương. Ngài là một trong những vị tướng tài giỏi thời Hùng Vương thứ 18 đã có công phò giúp vua Hùng đánh thắng giặc Thục, bảo vệ giang sơn đất nước. Ngài sinh ngày 14 tháng 3 năm Canh Tuất, là thần nhân xuất thế. Sau khi sinh, mẹ Ngài mắc bệnh rồi mất sớm. Năm Phi Duy 16 tuổi đã thiên tư sáng suốt, học lực tinh thông, binh thư thông thạo, có sở trường về võ lược. Đến năm 20 tuổi thì chẳng may cả thân phụ và kế mẫu đều qua đời. Ông đi tìm chỗ địa cát làm lễ an táng, lập bàn thờ ở nhà hương khói cho cha mẹ mình. Đúng vào năm mãn tang thân phụ và kế mẫu, Hùng Duệ Vương có ban hạ chiếu lệnh cho 30 quận tiến cử những người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm để ban tước. Khi đó Phi Duy cũng được tiến cử, được triệu kiến trước bệ hạ, ứng đối trôi chảy, thi tài văn võ đều được ngợi khen. Trong vòng 1 năm đã được thăng cấp lên hàm Tả tướng quân.

Hùng Duệ Vương sinh hạ được 20 hoàng tử và 6 công chúa, trong đó đệ nhất công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, đệ nhị Mỵ Nương công chúa lấy Tản Viên Sơn thánh. Khi đó bộ chúa Ai Lao họ Thục tên Phán chỉnh đốn tinh binh, kéo quân trăm vạn tiến đánh sang nước ta. Thư cấp báo một ngày năm lần, nhà vua vô cùng lo lắng lập tức triệu Sơn thánh đến hỏi kế sách. Sơn thánh tấu thưa: “Hơn một trăm hai mươi năm qua, nhà vua như bậc thánh hiền, luôn làm điều nhân, nay quốc phú binh cường, lại được lòng trời phù giúp, ban cho nhiều anh tài như Phi Duy. Anh ta vững như sơn, mạnh như thủy, trăm loài thủy tặc cũng không thể địch nổi.... Nay nước có chuyện chỉ mong Bệ hạ truyền bảo Phi Duy làm tướng quân, trước hết tuần phòng cẩn mật đề phòng bất trắc. Nhà vua nghe xong mừng rỡ, lập tức triệu Phi Duy tới hỏi, phong cho ngài làm Thượng tướng quân, chỉ huy binh lính tuần phòng hai lộ Tây, Bắc. Ngài lạy tạ nhận lĩnh quân thủy, bộ tuần phòng đường sông.

Một hôm ngài dẫn quân tiến đến bến sông ở địa đầu trại Đông Lan, huyện Đông Lan, phủ Đoan Hùng, đạo Sơn Tây thì gặp quân ta từ đường thủy tiến đến. Ngài bèn hội quân đồn trú ở đó, phân chia làm hai đồn để đối phó với quân Thục. Nhân dân ở trại Đông Lan bèn làm lễ xin được làm thần tử. Ngài cho phép và tuyển chọn được 20 người cường tráng của bản trại làm thủy thủ. Ngày hôm sau số quân đó cùng các tướng lĩnh, binh sĩ xuất quân chiến đấu với quân Thục. Trước sức mạnh của quân ta, quân Thục bỏ chạy, quân ta truy đuổi đến đạo Kinh Bắc đánh một trận lớn, trảm được tướng giặc và mấy nghìn quân sĩ, máu chảy trôi thuyền, xác chết chất thành núi, thu được vô số khí giới, lương thực. Sau khi đại thắng ngài bèn quay trở lại hai đồn Lan trại. Hôm sau thấy thư của Sơn thánh tới, bên trong có nói giặc Thục đã sớm bình định, vua ban chiếu quay trở về. Ngài vâng mệnh trở về, vua mở tiệc lớn chúc mừng. Hôm đó ngài truyền lệnh mổ lợn, bò tế cáo trời đất, mở tiệc triệu các bậc phụ lão cùng nhân dân. Trong bữa tiệc, phụ lão trại Đông Lan tấu thưa: “Từ khi ngài lập đồn sở, dân đều giàu có, mọi người đều cảm phục ân đức, nhân chuyện này cứ xin lập đồn sở, sau này làm nơi thờ tự”. Ngài cho phép đặt tên hai đồn là hai khu (Đông Lan khu và Đông Tiệm khu), ban cho mỗi khu 5 hốt vàng ròng để sau này tu sửa chỗ thờ tự. Sau đó bỗng nhiên trời đất âm u, mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, thấy một con rồng vàng từ trên trời giáng hạ thẳng xuống trước cung, thấy Ngài phi thân vượt ra ngoài bến sông, sóng sông cuồn cuộn, trong đầu sóng thấy ngư, xà, giao long dẫn đưa Ngài. Thế là ngài hóa, hôm đó nhằm ngày mùng 7 tháng 11. Từ đó nhân dân lập miếu, đình thờ Ngài tại đây.

Ban thờ Tướng Phi Duy

Năm 2012 với sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân xã Hùng Xuyên đã huy động công sức, tiền của phục hồi đình Đông Lan gồm: Đại bái 3 gian và hậu cung 1 gian để thờ phụng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở địa phương. Đình Đông Lan hiện còn lưu giữ 02 đạo Sắc phong phục chế, trong đó đạo Sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đạo sắc phong muộn nhất có niên đại Duy Tân thứ 3 (1909). Ngày nay nhân dân vẫn duy trì đủ 02 kỳ tiệc lệ trong năm:

- Ngày mùng 14 tháng 3 âm lịch: Ngày sinh thần - kỳ tiệc lệ chính.

- Ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch: Ngày hóa của thần. 

Lễ hội đình Đông Lan diễn ra trong hai ngày, là ngày 13 và 14 tháng Ba âm lịch. Việc tổ chức lễ hội đình Đông Lan thể hiện sự tưởng nhớ tới công lao của tổ tiên trong quá trình dựng nước và giữ nước; từ thủa khai dân lập ấp, mở mang xóm làng. Ngài là hình tượng thiêng, trường tồn vĩnh cửu trong đời sống tâm linh của người dân không chỉ trong quá khứ, mà trong hiện tại và cả tương lai; đồng thời cầu mong thần âm phù cho dân làng luôn được bình an, may mắn, sức khỏe, cầu cho cuộc sống luôn được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Những sinh hoạt tín ngưỡng này là sợi dây tình cảm, tinh thần gắn kết gia đình, dòng họ, làng xóm, là sợi dây kết nối sức mạnh của cộng đồng, giúp họ vượt qua thách thức trong cuộc sống.

Toàn cảnh sân Đình

2. Chùa Đông Lan

Toàn cảnh Chùa Đông Lan

Chùa Đông Lan là di tích kiến trúc tôn giáo thờ Phật theo dòng Đại thừa ở miền Bắc. Ngôi chùa có lịch sử hình thành và tồn tại lâu đời, từ đầu thế kỷ XIX. Qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa không còn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc cổ. Nhưng những giá trị hiện còn bảo lưu tại di tích như văn bia cổ (thời Nguyễn) đã cho thấy sự hình thành và tồn tại lâu đời của chùa Đông Lan, khẳng định ngôi chùa chính là nơi gắn kết, hòa nhập trong đời sống tâm linh của con người với nhu cầu lễ bái dân gian hướng thiện, cầu mong những điều tốt lành, hướng con người tới cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.

Năm 2000 xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, các phật tử và nhân dân trong xã đã huy động tiền, của xây dựng ngôi chùa Đông Lan. Đến năm 2012 các hạng mục Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu được tôn tạo khang trang, vững chắc như ngày nay, đồng thời xây dựng thêm một số hạng mục phụ trợ như nhà giảng đường, nhà khách, nhà tăng, lầu chuông, lầu hóa sớ, nhà bia.

Hàng năm tại chùa diễn ra các sinh hoạt tôn giáo truyền thống như: ngày lễ Phật đản, lễ Vu lan, xá tội vong nhân, lễ an cư. Ngày rằm và mùng một hàng tháng, nhân dân và Phật tử quanh vùng đều về đây hành lễ.

Ba ngôi Tam Bảo

Căn cứ Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 09/10/2024 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Cụm Di tích đình, chùa Đông Lan xã Hùng Xuyên; UBND huyện Đoan Hùng đã ra Quyết định về việc thành lập Ban quản lý Cụm Di tích Đình, Chùa Đông Lan. Ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý bảo vệ di tích dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của Sở VH,TT&DL Phú Thọ và UBND huyện Đoan Hùng theo quy định hiện hành về di sản văn hóa.

Cụm Di tích Đình chùa Đông Lan xã Hùng Xuyên đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Không gian văn hóa đình, chùa Đông Lan chính là môi trường bền vững để nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống tâm linh của người dân Hùng Xuyên cùng cộng đồng gần xa. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, cụm di tích đình, chùa Đông Lan vẫn tồn tại với thời gian như khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống tinh thần của cộng đồng người dân nơi đây.

Cây Bồ Đề (Ấn Độ) do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Nguyên UV BCH Trung ương Đảng, nguyên PCT Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, nguyên tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng

Quan Âm

Sân Đình

Đánh giá

Bộ lọc đánh giá:

0 / 5

(0 Đánh giá)

Tốt
0%
Tệ
0%

Các địa điểm ẩm thực xung quanh Cụm di tích đình, chùa Đông Lan

Xem tất cả