Thời Hùng vương nơi đây gọi là Chang Ngọc Lâm, Bộ Văn Lang. Đến đầu công nguyên, Ngọc Lũ thuộc huyện Gia Ninh, quận Tân Xương
Từ thế kỷ VI đến thế kỷ X, Ngọc Lũ thuộc huyện Thừa hoá, quận Phong Châu đến thời Trần, thế kỷ thứ XIII, Ngọc Lũ thuộc huyện Tây Lan, châu Tuyên Giang, Lộ Tam giang. Cuối Hậu Lê, đầu nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, Ngọc Lũ thuộc huyện Tây Quan, phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây. Dưới thời Nguyễn, trấn đổi thành tỉnh, đất đai của Ngọc Lũ thuộc Phủ Đoan Hùng, tỉnh Sơn Tây. Đến ngày 8/9/1891 đổi tên thành tỉnh Hưng Hoá, đến ngày 05/05/1903 đổi tên thành tỉnh Phú Thọ. Ngọc Lũ lúc này là một trong 4 xã thuộc tổng Ca đình, huyện Ngọc Quan, tỉnh Phú Thọ.
Sau cách mạng tháng 8/1945. Khi nhà nước ta xoá bỏ cấp Tổng để thành lập các xã lớn thì Ngọc Lũ cùng với 03 xã Yên Kiện, Tây Cốc, Ca Đình hợp lại thành xã Tây Sơn. Thôn Ngọc Tân sau cải cách năm 1956 còn có tên là thôn Ngọc Thanh. Đến năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú thì Ngọc Quan là một trong 23 xã của huyện Đoan Hùng, tỉnh Vĩnh Phú, thôn Ngọc Thanh lúc này có tên gọi là Ngọc Lũ, sau này mới đổi tên là Ngọc Tân thì Đình Ngọc Tân mới có địa chỉ như ngày nay.
Đình làng Ngọc Tân được làm từ năm 1803 dưới triều vua Gia Long thứ 2, trùng tu tôn tạo vào năm 2000, có niên đại khoảng 100 năm, đình làng Ngọc Tân thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Vương thứ 18 đó là: Cao Sơn, Cao Đạo, Cao Đài, là những danh tướng có công rất lớn giúp vua Hùng dẹp giặc giữ nước. Sau khi đánh tan giặc, 3 ông đã mở yến tiệc khao quân và khao làng, tiệc đang vui bỗng dưng thời tiết tối mờ, mưa to gió lớn nổi lên, một đám mây vàng từ trên trời hạ xuống, sau đó người dân trong làng thấy 3 ông bước vào đám mây bay lên trời, hôm đó là ngày 12/11 âm lịch, dân trang Ngọc Tân đã tấu biểu về triều đình, vua cho người về lập đàn tế lễ và sai sử thần mang sắc về phong làm phúc thần và ban mỹ tự thần hiệu là: “Gia phong uy linh phổ tế hộ quốc tý dân, uy dũng hùng kiệt định khước thượng đẳng thần”. Tôn thần 3 vị như sau:
- Nhất phong Cao Sơn án sát Đại Vương;
- Nhất phong Cao Đạo án sát Đại Vương;
- Nhất phong Cao Đào án sát Đại Vương;
Hiện nay, đình còn giữ được nhiều hiện vật quý như: cuốn Ngọc phả bằng chữ Hán và 4 Đạo sắc phong gồm có:
- Tự Đức năm thứ 6: 11/1/1853
- Tự Đức năm thứ 33: 28/11/1880
- Đông Khánh năm thứ 2: 01/7/1887
- Duy Tân năm thứ 3: 11/8/1909.
Đình Ngọc Tân được xây dựng theo kiểu chữ nhật, 1 toà 4 gian thờ, xung quanh đình bưng gỗ, nền lát gạch đỏ sạch sẽ. Đình làm theo kiểu 4 hàng chân gồm 20 cột (10 cột cái và 10 cột quân), mặt trước của Đình lắp 03 cửa loại khuông cửa 2 cánh, cao 2m. Gian cuối của đình có thượng cung và khám thờ nhỏ là nơi để các đồ thờ tế khí. Trên thượng cung tạo thành 1 khám thờ nhỏ, các hoa văn, hoạ tiết trang trí được tập chung ở cửa khám. Hai bên cửa khám phía trên vẽ trang trí Rồng chầu mặt nguyệt, tứ quý và đồ án chữ hán, bức côn mê vẽ mặt hổ phù, trong lòng khám vẽ trang trí lưỡng long trầu nguyệt.
Thượng cung nơi thờ Tam vị Đại Vương Cao Sơn, Cao Đạo, Cao Đài
Nhìn chung kết cấu kiến trúc của Đình Ngọc Tân đơn giản, đục trơn bào nhãn là chủ yếu. Song đây là một kiến trúc cổ hoàn chỉnh của vùng dân tộc, một di tích có giá trị bảo lưu được tín ngưỡng dân tộc, kiểu kiến trúc giống như phần trên của ngôi nhà sàn.
Đình làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1994. Trên địa bàn huyện Đoan Hùng, lễ hội đình làng Ngọc Tân là một trong 3 lễ hội lớn của huyện, được các quý khách gần xa và nhân dân trong huyện quan tâm.
Với những di sản văn hóa để lại, Đình làng Ngọc Tân có vị thế văn hóa tâm linh rất quan trọng là nơi gặp gỡ, gắn bó, cố kết cộng đồng trong đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của đồng bào dân tộc Cao Lan ở Ngọc Tân cũng như các huyện lân cận của tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang.
Hằng năm, cứ đến cuối tháng giêng đầu tháng 2 âm lịch, trong tiết xuân ấm áp, người dân làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan lại nô nức tổ chức Lễ hội Đình làng. Ngay từ cuối năm trước, Già làng, trưởng bản đã lựa chọn các hộ gia đình có đủ điều kiện để giao chọn giống, nuôi lợn đen, gà trống, gạo nếp ngon làm đồ tế lễ, Đình làng được quét dọn trang trí đẹp mắt, cánh thanh niên được giao nhiệm vụ trồng cây nêu, làm sân khấu, sân bóng để chuẩn bị cho lễ hội, các bà, các cô khéo tay chuẩn bị thổi sôi ngũ sắc, làm bánh Chim, phần Lễ cũng đã được người cao tuổi chuẩn bị công phu.
|
|
Cùng với phần tế lễ theo nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, với điểm nhấn là tục mổ lợn đen vào 0h sáng ngày 2/2 âm lịch (Nghi thức Tế thần) là các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: giao lưu văn nghệ giữa các làng, hát Sình ca, Vèo ca, múa Chim Gâu, múa Xúc tép, ném còn, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy, đốt lửa trại... thể hiện tinh thần yêu cuộc sống, yêu lao động và bản sắc văn hóa riêng biệt của người Cao Lan. Nói đến bà con dân tộc Cao Lan, không thể không nhắc đến món ăn truyền thống đậm bản sắc dân tộc đó là “Xôi ngũ sắc”. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ mà xôi ngũ sắc đã được lưu truyền nhiều đời nay trong làng. Theo quan niệm của các già làng, xôi ngũ sắc ngoài giá trị ẩm thực còn tượng trưng cho thuyết âm dương ngũ hành là Kim- Mộc - Thủy- Hỏa- Thổ. Xôi được tạo màu bằng các loại lá cây tự nhiên: màu đỏ làm từ lá sơn, mầu đen làm từ lá thau, mầu vàng làm từ củ nghệ, mầu xanh làm từ lá gừng, mầu trắng chính là mầu của gạo nếp có sẵn.
Phần hội cũng được tổ chức sôi nổi: ban ngày là các hoạt động vui chơi thi đấu các môn thể thao truyền thống như: Ném còn, kéo co, đánh đu, đi cà kheo, bóng chuyền, chọi gà được tổ chức đồng loạt tại sân đình. Buổi tối là chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có điệu múa chim gâu, xúc tép là những điệu múa truyền thống riêng của người Cao lan.
|
|
Tổ chức lễ hội đình làng Ngọc Tân xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã khơi dậy truyền thống hào hùng của dân tộc, góp phần giáo dục, xây dựng nền văn hóa Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội đình làng Ngọc Tân xã Ngọc Quan phát huy ý thức đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thiết thực cho cuộc vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới./.